Tạp chí nhà đẹp

Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam. Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám mang đậm dấu ấn của kiến trúc phương Đông, nơi thể hiện rõ triết lý âm dương ngũ hành trong từng thiết kế dù là nhỏ nhất...

Đôi nét sơ lược về Văn Miếu Quốc Tử Giám

Quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những công trình đan cài hài hòa giữa kiến trúc Phật giáo, Nho giáo và mang đậm những triết lý về Thiên – Địa – Nhân. Những yếu tố liên quan tới phong thủy luôn được đề cao nhằm mục đích cân bằng giữa đất trời, con người có thể phát triển một cách lớn mạnh.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 2 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Toàn cảnh thiết kế của Văn Miếu Quốc Tử Giám (Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn)

Khu quần thể di tích nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý, xưa thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc thuộc làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông; nay nằm trên đường Quốc Tử Giám, phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức thắng, phía Đông là phố Văn Miếu.

Với tổng diện tích khu quần thể di tích 54331 m2, Văn Miếu được xây dựng từ tháng 8 năm 1070 dưới đời vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử – ông tổ của Nho giáo bên cạnh việc là nơi dạy học cho các hoàng tử. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ngay cạnh Văn Miếu và được xem là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam và dần thu nhận thêm các bậc hiền tài trong cả nước, không chỉ đơn thuần là nơi trau dồi tri thức của các hoàng tử và con cái của bậc triều thần. Gần cuối thế kỉ 15, vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia Tiến sĩ để ghi danh những người đỗ Tiến sĩ trong các kì thi của triều đình.

Tổng thể kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám sau nhiều lần trùng tu hiện tại được chia thành năm khu gắn kết bởi các bức tường gạch có cửa thông bao gồm: Văn Miếu Môn (cổng vào Văn Miếu); Khuê Văn Các; khu Bia Tiến sĩ; Khu Đại bái và nhà Thái Học. Tất cả đều được thiết kế theo một trục thần đạo hợp nhất.

Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện nét phong thủy trong kiến trúc phương Đông. Vậy yếu tố phong thủy và triết lý âm dương được thể hiện ra sao trong khu quần thể di tích mang đậm tinh thần hiếu học của người dân Việt Nam tự đời xưa?

Triết lý âm dương – yếu tố phong thủy ảnh hưởng sâu đậm trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Ngay tới việc lựa chọn Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt với “thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng…”, Thái Tổ Lý Công Uẩn cũng đã nhìn ra được yếu tố phong thủy. Yếu tố phong thủy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt không chỉ từ ngàn năm trước mà ở hiện tại, việc lựa chọn vị trí đất, thiết kế kiến trúc dựa trên phong thủy cũng vô cùng quan trọng.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 7 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn

Thêm vào đó triết lý âm dương, con người là trung tâm vũ trụ, là kết tinh hội tụ của đất trời, ngay cả trong những công trình kiến trúc cũng cần giao hòa cả ba yếu tố Thiên – Địa – Nhân.

Các yếu tố âm dương ngũ hành sẽ mang tới sự cân bằng của vạn vật trong vũ trụ mà con người ở đây là trung tâm. Chính vì vậy trong mỗi thiết kế, đặc biệt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đã thể hiện rất rõ sự giao hòa giữa đất trời – từ những chi tiết rất nhỏ.

Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám – Triết lý âm dương ngũ hành thể hiện ngay từ tổng thể

Theo quan niệm của phương Đông, một công trình kiến trúc hoàn chỉnh muốn tồn tại lâu dài thì phải cân bằng được cả hai yếu tố Âm dương – Ngũ hành.

Các khu riêng biệt của Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng theo một trục thẳng hai bên thiết kế đối xứng. Là nơi để thờ Khổng Tử cũng như tôn vinh nền văn học của nước nhà, chính vì vậy đường thần đạo này là nơi để hội tụ linh khí đất trời, nằm trên dòng khí nối liền Thiên – Địa – Nhân, mang tới sự giao hòa giữa đất trời và con người.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 1 e1589969247863 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu Quốc Tử Giám được thiết kế theo trục thẳng đường thần đạo (Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn)

Cho đến từng chi tiết: Hồ Văn – Văn Miếu Môn – Khuê Văn Các và các chi tiết nhỏ

Một trong những yếu tố đầu tiên khi xây dựng nên công trình Văn Miếu Quốc Tử Giám là đều phải đảm bảo được các yếu tố liên quan tới phong thủy, đặc biệt cân bằng được yếu tố âm dương. Chính vì vậy bên cạnh công trình (mang yếu tố dương) trước có hồ, sau dựa núi, trước mặt Văn Miếu luôn có hồ nước (mang yếu tố âm) Hồ Văn. Đây được coi là “tiểu minh đường” của Văn Miếu và là một trong những mắt xích quan trọng của toàn bộ công trình chung.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 2.jpg - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Thiết kế âm dương được thể hiện trong thiết kế Hồ Văn – Văn Miếu (Nguồn ảnh: vannmieu.gov.vn)

Ngay cả cổng vào Văn Miếu Môn cũng thể hiện rõ điều này với lối thiết kế ba cửa, cửa giữa xây to và dựng hai tầng. Mặt bằng hình vuông, tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới, xung quanh thừa ra hàng hiên rộng, bốn mặt có lan can. Điểm đặc biệt ở tầng trên chia làm tám mái, 4 mái hiện và 4 mái nóc, là con số của bát quái. Yếu tố bát quái và kinh dịch một lần nữa được lặp lại trong kiến trúc của Khuê Văn Các.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 8 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Thiết kế tám mái của Văn Miếu Môn tạo nên nét ấn tượng ngay khi bước vào (Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn)

Khuê Văn Các – Thiên Quang Tỉnh (Gác Khuê Văn – Giếng Thiên Quang), xét về ngữ nghĩa, sao Khuê là tên chòm sao sáng nhất trong 28 chòm sao. Chòm sao Khuê có 16 ngôi sao, sắp xếp giống như hình chữ Văn, biểu trưng của văn chương. Thiết kế ở Khuê Văn Các, công trình được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội năm 2012 có kiến trúc đối xứng với bệ chân cột hình vuông, cửa sổ hình tròn. Đây cũng là yếu tố tiếp theo thể hiện được triết lý âm dương.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 3 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn

Theo quan niệm, trời tròn đất vuông, tròn tượng trưng cho yếu tố dương, vuông tượng trưng cho yếu tố âm. Ngay trong từng thiết kế cột trụ vuông và bốn mặt cửa sổ hình tròn mang tới sự cân đối hài hòa. Điểm đặc biệt, bên cạnh Khuê Văn Các là giếng Thiên Quang hình vuông, thể hiện trọn vẹn triết lý âm dương trong thiết kế.

Công trình được xây dựng năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn, Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước với ba bậc thang đá. Bốn trụ gạch vuông, mỗi cạnh của các mặt trụ có chiều dài một mét.

Theo Kinh Dịch, những con số lẻ tượng trưng cho yếu tố dương, số chẵn tượng trưng cho yếu tố âm, Khuê Văn Các đã vận dụng linh hoạt các yếu tố này trong thiết kế cột, bệ và các tầng, gác mái. Tám mái là bát quái, thêm một nóc ở trên là chín, là số cửu trù, cực Dương, mang tới sự thịnh vượng cho cả công trình.

Màu sắc cũng được sử dụng hài hòa trong quần thể di tích lịch sử, thể hiện được sự cân đối giữa ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ với màu đỏ, vàng của sơn son thếp vàng trong mỗi câu đối kết hợp màu sắc tự nhiên của từng chất liệu gỗ, đá, gạch lát.

Các hình tượng rồng đá – biểu tượng của đất trời cũng như hình tượng rùa cõng hạc, rùa mang yếu tố âm, hạc mang yếu tố dương cũng được thể hiện, cân bằng cả hai nguồn năng lượng âm dương.

kienviet nguoc dong tim ve triet ly am duong ngu hanh trong kien truc van mieu quoc tu giam 4 - Ngược dòng tìm về triết lý âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Các hình tượng chạm khắc tại khu di tích cũng làm nổi bật yếu tố âm dương (Nguồn ảnh: vanmieu.gov.vn)

Biên tập & Tổng hợp: Vũ Hương

Nguồn tham khảo:

  • Văn hóa và Kiến trúc Phương Đông, Đặng Thái Hoàng – Nguyễn Văn Đỉnh, NXB Xây Dựng, 2012
  • Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (baotanglichsu.vn)
  • Văn Miếu Quốc Tử Giám (Vanmieu.gov.vn)
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
author-avatar

Kiến trúc sư Phan Đình Kha

Kiến trúc sư Phan Đình Kha với 15 năm kinh nghiệm, hơn 1000 công trình, đoạt giải nhất kiến trúc quốc gia 2010 (Công trình: Nhà ga hành khách cảng hàng không Liên Khương, giải nhất Kiến trúc quốc gia 2010. Nhóm thiết kế: KTS Lưu Hướng Dương, KTS Trần Trung Vương, KTS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, KTS Phan Đình Kha). Các thiết kế của anh như Cảng hàng không Liên Khương – Đà Lạt, Bệnh viện Phú Mỹ (TP.HCM), khách sạn 4 sao Phú Mỹ – Sóc Trăng. Nhà hàng Miss Sài Gòn. Homestay Đà Lạt của vợ chồng danh hài Trường Giang – Nhã Phương.
Tham khảo:
- https://ashui.com/mag/chuyenmuc/kien-truc/4493-nha-ga-hang-khong-lien-khuong-mau-tuong-tuong.html
- https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/cong-bo-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-nam-2010-62481.html
- https://danviet.vn/doc-dao-hai-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-777746293.htm
- https://kienviet.net/2011/03/14/ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2010/
- https://baoxaydung.com.vn/trien-lam-giai-thuong-kien-truc-viet-nam-22261.html

Bài viết cùng chuyên mục